Trang chủ  > Tin tức  >  Kinh tế xã hội

Năm 2024, kênh đầu tư nào triển vọng?
Thứ tư, 27/12/2023 | 11:11

Trong những ngày cuối cùng của năm 2023, giá vàng thế giới liên tục tăng nóng và thiết lập kỷ lục mới khi giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sớm “xoay trục chính sách”. Đà tăng của giá vàng thế giới kéo giá vàng trong nước tăng cao, giúp tỷ suất sinh lợi của kênh đầu tư vào loại tài sản này trở nên hấp dẫn. Vàng hay tài sản nào xứng đáng là kênh đầu tư năm 2024 đang là câu hỏi được quan tâm của nhiều người

Tại Việt Nam, giao dịch vàng hiện chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhằm tiếp tục mục tiêu giảm tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản của nhà đầu tư bị nghiêm cấm, không có sàn giao dịch nào được Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng bằng tài khoản thì việc đầu tư vào vàng vật chất - vốn có giá vàng trong nước không thực sự tương đồng với thị trường quốc tế, vẫn được đánh giá là nhằm hướng tới mục tiêu trú ẩn an toàn, ổn định hơn là hướng tới mục tiêu đạt được tỷ suất sinh lời cao trong ngắn hạn. Đây là một hạn chế của kênh đầu tư vàng.

Gửi tiết kiệm được xem là kênh đầu tư có tính “đại chúng” cao bởi dễ thực hiện và an toàn. Trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất tăng cao. Tuy nhiên, xu hướng giảm lãi suất từ quý II/2023 đến nay đã và đang khiến nhiều nhà đầu tư tìm cách chuyển dịch dòng vốn khỏi kênh này. Năm 2024, với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định hơn và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mức lãi suất gửi tiết kiệm được đánh giá chưa có dư địa tăng mạnh trở lại.

Với kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), sau giai đoạn phát triển quá nóng với việc doanh nghiệp dễ dàng huy động hàng nghìn tỷ đồng nếu trả lãi suất cao 15-18% cho người có tiền, hàng loạt sai phạm trong phát hành TPDN bị xử lý cùng sự siết lại của khung pháp lý (Nghị định số 65/2022/NĐ-CP; Nghị định số 08/2023/NĐ-CP), khiến TPDN ở tình trạng “đóng băng” trong thời gian khá dài. Nửa cuối năm 2023, thị trường TPDN ghi nhận phục hồi với sự gia tăng cả về số lượng và giá trị TPDN phát hành. Sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý nhà nước được kỳ vọng sẽ từng bước khôi phục niềm tin của thị trường với kênh đầu tư được đánh giá là có nhiều ưu điểm cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư này.

 

Với đầu tư bất động sản, việc Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang nỗ lực hoàn thiện môi trường pháp lý, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho dự án, quyết liệt xử lý các vụ việc vi phạm nhằm lành mạnh, minh bạch hóa thị trường khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi năm 2024. Tuy vậy, bất động sản là kênh đầu tư khó, không dành cho số đông, bởi không chỉ đòi hỏi người tham gia phải có nguồn vốn lớn mà còn cần có kinh nghiệm và sự am hiểu về thị trường để có thể tìm kiếm được những tài sản chất lượng, có triển vọng sinh lời ở vùng giá tốt. Đồng thời, nhà đầu tư cần sự tính toán kỹ về dòng tiền bởi tính thanh khoản thấp của thị trường này.

 

Theo Khối nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS), năm 2024, sẽ có 40 cuộc bầu cử quốc gia trên toàn cầu, đại diện cho hơn 41% dân số thế giới và 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Các quốc gia tổ chức bầu cử vào năm 2024 có quy mô và tầm ảnh hưởng khác nhau như Indonesia, Venezuela, Mexico, Nga, Mỹ…, nhưng các diễn biến chính trị đều có ảnh hưởng nhất định đến thị trường tài chính trong năm. Với nước Mỹ, MBS cho biết, từ năm 1928 đến năm 2020 có 20/24 lần chỉ số S&P500 tăng điểm trong năm bầu cử. Chỉ duy nhất năm 2008 (xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu), S&P500 chứng kiến mức sụt giảm mạnh xấp xỉ 37%, còn 3 lần sụt giảm còn lại đều không quá 10%. Từ diễn biến hiệu suất trong lịch sử, MBS nghiêng về kịch bản tăng điểm cho thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ, theo đó sẽ là đòn bẩy tích cực cho TTCK Việt Nam năm 2024.

Trong khi các kênh đầu tư cơ bản như vàng, bất động sản rất khó đo lường kỳ vọng, thì với kênh đầu tư chứng khoán, điểm tựa để dự báo tích cực là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết. MBS dự báo lợi nhuận của các DN niêm yết sẽ tăng 16,8% trong năm 2024 do các yếu tố vĩ mô như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng có xu hướng cải thiện; lãi suất và tỷ giá hạ nhiệt... Điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết sẽ vào quý III và quý IV năm 2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023, tạo cơ hội cho những người nắm bắt được xu hướng. Những ngành được kỳ vọng tăng trưởng tích cực năm 2024 là năng lượng, ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng và logistics. Nhiều cổ phiếu trong các ngành triển vọng đang có mức định giá thấp, tạo cơ hội cho những ai ưa thích kênh đầu tư linh hoạt và nhạy bén với thời cuộc này.

theo báo đấu thầu

Thống kê truy cập

Số người online : 6

Số lượt truy cập : 513310

Tỉ giá

Giá vàng

Ngoại tệ

Thời tiết